Gặp gỡ Thầy Vũ Tuấn Minh - Và câu chuyện về Giáo dục truyền cảm hứng

13:56 24-04-2020BKAP Media

Mang sứ mệnh của người làm giáo dục truyền cảm hứng, Thầy Vũ Tuấn Minh đã trở thành một phần không thể thiếu của Bachkhoa-Aptech. Đầu năm mới 2019, cùng chúng tôi trò chuyện với Thầy Vũ Tuấn Minh về giáo dục tích cực, giáo dục truyền cảm hứng!

Thầy Vũ Tuấn Minh hiện là Trưởng phòng chuyên môn Lập trình/ Giảng viên lập trình tại Hệ thống Đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech. Thầy đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào các dự án phần mềm lớn tại các công ty gia công phần mềm như FPT và có hơn 5 năm kinh nghiệm Giảng dạy - Đào tạo trong lĩnh vực CNTT.

Nhiều thế hệ học viên chia sẻ cực hứng khởi với những giờ lên lớp của thầy Vũ Tuấn Minh, bởi thầy đã biến những kiến thức CNTT khô khan, những dòng code toàn chữ và số trở thành "thần dược" thôi miên được mọi học viên thông qua những câu chuyện hài hước, những bài học nhẹ nhàng, những ví dụ thực tế, vui nhộn đậm chất phong cách thầy Minh.

Cuối năm 2018, thầy nhận được giải thưởng danh giá của trường - "Giảng viên truyền cảm hứng" dành cho những cống hiến của giảng viên có thay đổi tích cực trong năm 2018. Đây là sự công nhận của ban lãnh đạo nhà trường dành cho sự nỗ lực của giảng viên trong một năm vừa qua. Đầu năm mới 2019, cùng chúng tôi gặp gỡ thầy Vũ Tuấn Minh và câu chuyện về Giáo dục truyền cảm hứng!


GIÁO DỤC TRUYỀN CẢM HỨNG - PHÁ BỎ LỐI MÒN TRONG ĐÀO TẠO TRUYỀN THỐNG


PV: Cảm xúc của thầy sau khi nhận được giải thưởng giảng viên truyền cảm hứng?

Sau khi nhận được giải thưởng danh giá này của Bachkhoa-Aptech dành cho những cống hiến của giảng viên có những thay đổi tích cực trong năm 2018. Ngoài niềm hạnh phúc và tự hào, đối với riêng thầy, giải thưởng này còn thể hiện trách nhiệm cho chặng đường sắp tới, trách nhiệm về những thay đổi tích cực hơn để Bachkhoa-Aptech có thể đào tạo được nhiều thế hệ học viên chất lượng hơn, thông qua việc đào tạo tích cực, giáo dục truyền cảm hứng phá bỏ lối mòn đào tạo truyền thống.

PV: Thầy vừa nhắc đến giáo dục truyền cảm hứng, thầy có thể chia sẻ kỹ hơn về giáo dục truyền cảm hứng?

Giáo sư Hồ Đại từng nói: “Cái học làm sao mà không như học mới là học”. Nếu các bạn có tìm hiểu, sẽ thấy nước Đức có nền giáo dục cực phát triển, sinh viên của họ biết tự đào sâu, tự nghiên cứu, giảng viên chỉ là người định hướng thay vì cách đào tạo truyền thống, thầy – trò tương tác một chiều.

Vậy làm thế nào để thay đổi cách đào tạo truyền thống, đấy chính là nhờ giáo dục truyền cảm hứng, đào tạo theo hướng tích cực, phá bỏ cách đào tạo truyền thống thầy nói – trò nghe, thầy truyền đạt – trò ghi chép. Phương pháp đào tạo này không mang lại hiệu quả cao, nó đòi hỏi tính tự giác của sinh viên và chỉ những sinh viên thực sự chăm chỉ mới tiếp thu được.

Và người làm giáo dục truyền cảm hứng – là người mang vai trò tạo được hứng khởi, kích thích tính tự học và ham học của tất cả các nhóm sinh viên dựa trên những phương pháp giảng dạy, những câu chuyện mới mẻ.

PV: Thầy chia sẻ một vài phương pháp giảng dạy để kích thích sự sáng tạo của học viên.

Các phương pháp của thầy đều dựa trên những định hướng của nhà trường, dựa trên mô hình đào tạo: Làm trước - Học sau.

Với cách dạy học thông thường, mọi người mặc định nghĩ rằng chưa dạy thì học viên sẽ chưa thể làm được. Tuy nhiên với mô hình Làm trước - Học sau của Bachkhoa-Aptech, thay vì giảng dạy lý thuyết sau đó bắt học viên thực hành, làm bài tập thì chúng ta sẽ làm ngược lại, bằng cách cho sinh viên trải nghiệm sản phẩm thực tế, tự mày mò với sản phẩm đề kích thích sự hứng thú và tự nghiên cứu. Từ đó, giảng viên sẽ là người khai mở để các bạn học viên vỡ ra, để làm được những sản phẩm, ứng dụng như vậy, chúng ta cần học những gì?

Đây thực sự là cách đào tạo khá mới, lồng ghép lý thuyết đi liền "cầm tay chỉ việc" kích thích nhu cầu được học, được tạo ra những sản phẩm, ứng dụng CNTT hữu ích, sáng tạo.


GIÁO DỤC TRUYỀN CẢM HỨNG - BIẾN NGƯỜI HỌC TRỞ THÀNH TRUNG TÂM


PV: Theo thầy, đâu là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa cách giáo dục truyền thống và giáo dục truyền cảm hứng?

Với cách đào tạo truyền cảm hứng, thay vì việc trong lớp học coi giảng viên là trung tâm thì sinh viên sẽ trở thành trung tâm. Người giảng viên làm công việc kết nối, khởi hứng để sinh viên nói lên được nguyện vọng, mong muốn, dám thắc mắc, dám nói lên ý kiến và đưa ra những câu hỏi của mình.

Hơn nữa, các bạn có thể thấy ngay trong cách đào tạo truyền thống, các bạn phải học dàn trải quá nhiều kiến thức. Thậm chí, phải học những kiến thức cũ đã lỗi thời và không thể ứng dụng được trong công việc sau này. Chính vì vậy, phương pháp đào tạo “học là làm được việc” ở Bachkhoa-Aptech giúp các bạn hòa nhập được ngay với doanh nghiệp. Với những cập nhật không chỉ về ngôn ngữ mà còn nền tảng công nghệ, các bạn sinh viên đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

PV: Thầy đã áp dụng cách giảng dạy truyền cảm hứng như thế nào?

Thầy đã hướng dẫn các bạn học viên về kỹ thuật ghi nhớ như sơ đồ tư duy, lâu đài trí nhớ để các bạn có thể ghi nhớ nội dung bài học hiệu quả và logic so với việc các bạn học vẹt, học thuộc mà không hiểu bản chất. Việc tóm gọn kiến thức, sau đó để sinh viên thực hành, làm nhiều hơn, các bạn sẽ tự vỡ ra được nhiều kiến thức, phát triển từ những thứ nền tảng.

Giảng dạy truyền cảm hứng còn được lồng ghép thông qua những bài tập. Khác với việc đưa ra bài tập truyền thống thiên về lý thuyết, thì thầy sẽ giao đề tài cụ thể liên quan đến ứng dụng hoặc game. Và để giải quyết được những bài tập này, các bạn cần phải vận dụng và tổng hợp kiến thức của cả quá trình học. Sau khi hoàn thành các đề tài này, các bạn sẽ tự trình bày sản phẩm của mình và được chính các bạn học viên khác nhận xét chéo sản phẩm và phản hồi với nhau.

Thông qua đó, kích thích khả năng tự trình bày giúp các bạn tự tin hơn sau khi học tập tại BKAP.

Thầy tâm niệm, Bachkhoa-Aptech có trách nhiệm không chỉ đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn cả kỹ năng mềm để các bạn tự tin hội nhập.

Đặc biệt với môi trường CNTT các bạn sẽ làm việc với đội nhóm, làm việc theo dự án lớn đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Chính vì vậy, ngoài những bài học chuyên môn, thầy còn lồng ghép để các bạn học kỹ năng mềm như: cách trình bày, nhận xét, phê bình. Ví dụ như việc nhận xét một sản phẩm, không nên nói rằng nó tồi, nó vô tác dụng, mà phải biết cách truyền đạt để người nghe có động lực để sửa chữa, muốn cải thiện và muốn tốt hơn.

Ở Bachkhoa-Aptech, các bạn học viên sẽ được giao project cuối khóa theo nhóm. Đây cũng là cách giáo dục tích cực vừa phù hợp với thực tế, vừa giúp các bạn học cách làm việc teamwork với nhau. Như các bạn từng nghe: "Nếu các bạn muốn đi nhanh hãy đi 1 mình, muốn đi xa hãy đi với đội nhóm". Đứng trước một vấn đề, đối với người Mỹ thì chưa ai làm thì họ sẽ làm, đối với người Nhật, nếu đã có người làm rồi thì họ sẽ làm tốt hơn.

Giáo dục truyền cảm hứng còn là sự tác động, để sinh viên biết rằng họ cần phải hỗ trợ nhau để làm việc, cùng hỗ trợ nhau để tốt hơn. Sau này các bạn làm việc trong đội nhóm, trong một công ty các bạn sẽ biết cách đối nhân xử thế để cùng phát triển hơn trong công việc.

Tại Bachkhoa-Aptech, chúng tôi luôn định hướng và giúp các bạn làm quen và học cách hỗ trợ nhau trong môi trường CNTT. Người giảng viên với vai trò là người quản lý, mang đến những định hướng để các bạn tự kết nối, làm việc và hỗ trợ lẫn nhau.

PV: Thầy có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình giảng dạy tại Bachkhoa-Aptech?

Giảng dạy bằng cái tâm, dồn hết tâm huyết cho công việc, bạn sẽ nhận được nhiều điều đáng quý. Đơn giản chỉ cần sau khi ra trường các bạn có được công việc ổn định, các bạn làm được những sản phẩm tốt đối với thầy đã là điều tự hào, đáng nhớ.

Thầy có thể chia sẻ một kỷ niệm ấn tượng nhất đó chính là một bạn sinh viên cũ của trường, đã trực tiếp liên hệ lại với thầy để xin từ thiện cơ sở vật chất cho phòng tin học ở trường Chương Dương 2, Nghệ An. Bạn kể lại hoàn cảnh của trường và nhờ thầy kết nối với chị Phạm Thái Hà ủng hộ 05 bộ máy tính cho trường.

Rõ ràng, định hướng đào tạo của chúng ta là tạo nên thế hệ học viên không chỉ có tài mà còn có tâm, có đạo đức. Và việc làm của bạn ấy thực sự khiến thầy vừa ngưỡng mộ, vừa tự hào.


GIÁO DỤC TRUYỀN CẢM HỨNG CÒN LÀ: TRƯỚC KHI LÀM THẦY, HÃY LÀM BẠN VỚI HỌC VIÊN.


PV: Một "sự cố" mà thầy không thể quên trong sự nghiệp giảng dạy của mình?

Cũng khá lâu rồi, thầy có tiếp nhận một bạn học viên, trong giờ học bạn chỉ sử dụng một tay gõ phím còn một tay cho vào túi áo. Thực sự cảm giác lúc ấy của thầy khá khó chịu, và đã nhắc nhở bạn trong giờ học thì nên nghiêm túc hơn. Nhưng về sau, thầy mới biết bạn bị tật ở tay và gần như không sử dụng được tay bên trái. Lúc này, thầy cảm giác vô cùng có lỗi và cũng tự trách bản thân.

Nhờ sự việc này, thầy bắt đầu có suy nghĩ khác hơn, trước khi phán xét người khác hãy tìm hiểu kỹ càng và đặc biệt, đối với người làm giáo dục, trước khi làm thầy hãy làm bạn với chính học viên của mình. Vì, chỉ khi làm bạn với học viên, hiểu họ thì mới có thể truyền cảm hứng và giúp họ trở nên tốt lên.

PV: Nguồn năng lượng giúp thầy không ngừng đổi mới, trở nên tự tin hơn.

Trước tiên, thầy muốn gửi lời cảm ơn đến chị Hà - Chủ tịch HĐQT của Bachkhoa-Aptech, bởi chị chính là người có định hướng để giúp cán bộ giảng viên trở thành những người tràn đầy năng lượng tích cực.

Thầy luôn có một thôi thúc, phải có những bài giảng, cách truyền đạt thực sự cuốn hút và kích thích để học viên phát huy năng lực của mình. Chính những thôi thúc này đã giúp thầy không ngừng tìm tòi, trau dồi và đổi mới không chỉ phong cách giảng dạy mà còn là cách truyền đạt kiến thức mới hơn, sáng tạo hơn. Biến những kiến thức CNTT khô khan thành liều thuốc ‘thôi miên’ học viên của mình, các bạn sẽ thấy lôi cuốn và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Bởi chỉ khi các bạn cảm thấy mới mẻ, bị hấp dẫn bởi các bài giảng thì các bạn mới hứng khởi với việc đến lớp.

PV: Bước sang thềm năm mới, Thầy có điều gì muốn gửi gắm đến năm 2019?

Năm 2019, định hướng phát triển bản thân là mục tiêu đầu tiên của Thầy, không ngừng học tập, mở mang kiến thức, tăng thêm kỹ năng giúp bản thân luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Thầy cũng đã chuẩn bị hơn 10 đầu sách để cập nhật các kiến thức và ứng dụng cho bài giảng của mình, tiếp tục thắp lửa cho sự nghiệp giáo dục truyền cảm hứng.

Trong năm mới này, thầy cũng có đôi điều gửi gắm cho các bạn học viên của Bachkhoa-Aptech, hãy chơi hết mình nhưng vẫn phải học tập hết sức. Thành công không dễ gì có thể đạt được, bởi thành công là thành quả của những nỗ lực trường kỳ và khác thường.

Chính vì vậy, các bạn hãy cứ đam mê, cứ nỗ lực, khai mở trí tuệ thì chắc chắn những thành công trong cuộc sống sẽ đến với các bạn!

Chúc Bachkhoa-Aptech, năm mới 2019 - BỨT PHÁ THÀNH CÔNG!

   0968276996